Nhiễm phèn nguồn nước nuôi tôm cá. Hậu quả và cách xử lý

Nước bị nhiễm phèn là mối quan tâm của rất nhiều người dân nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là tôm, cá. Nước phèn thường làm tôm còi cọc, chậm lớn, tỷ lệ sống thấp, gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như chất lượng đầu ra của tôm cá, vì thế việc làm thế nào để xử lý phèn trong ao nuôi tôm là vấn đề cấp thiết cần phải tiến hành để đạt được hiệu quả kinh tế cao.

1. Đối với nước trong ao, nguyên nhân gây ra phèn:

- Nguyên nhân chính tạo nên phèn chính là đất tại vùng đào ao nuôi tôm có chứa hàm lượng sulfat cao, cùng với điều kiện yếm khí và hoạt động của Vi sinh vật nên sulfat bị khử, từ đó gốc lưu huỳnh sẽ kết hợp với hàm lượng sắt (Fe) có trong trầm tích tạo thành chất FeS2.

- Dấu hiệu cho biết vùng đất nhiễm phèn thường có màu xám đen, vùng có chứa hàm lượng FeS2 cao, khi phơi khô đất thường có phấn trắng, việc đào ao nuôi tôm thì việc xử lý phèn sẽ rất vất vả.

 nguon nuoc tom ca bi nhiem phen

Đáy ao nuôi tôm cá bị nhiễm phèn tiềm tàng

- Tác hại của phèn trong ao nuôi tôm cá:

Đất phèn thường đi đôi với pH thấp, lượng canxi cũng rất ít làm mất cân bằng áp suất thẩm thấu giữa tôm và môi trường nước, làm tôm khó lột vỏ nên ảnh hướng nghiêm trọng đến quá trình tạo vỏ của loài giáp xác như tôm, tạo nên hiện tượng tôm bị mềm vỏ, hoặc tôm bị lột vỏ không hoàn toàn, bị dính vỏ ở tôm nhỏ làm cho tỉ lệ sống của tôm không cao.

Đất phèn tạo ra môi trường a xít ngăn cản quá trình hoạt hóa của các enzyme trong cơ thể, làm tôm chậm lớn.

Nước phèn làm giảm khả năng gắn kết giữa ôxy và hợp chất Hb (Hemoglobin) trong máu, quá trình hô hấp tăng cao làm cho tôm cá và vi sinh vật mất nhiều năng lượng hơn từ đó giảm khả năng sinh trưởng, sinh sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nuôi. Hợp chất phèn lơ lửng trong nước sẽ bám vào mang, cản trở quá trình hô hấp của tôm, đặc biệt khi tôm còn nhỏ.

Nồng độ pH thấp làm cho lượng khí H2S trở nên độc hơn gây ức chế cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa Oxy của tôm nuôi làm cho tôm nuôi châm lớn, màu sắc kém mất giá.

Ngoài ra ao nuôi bị nhiễm phèn còn làm cho tảo chậm phát triển, từ đó rất khó gây màu nước ao nuôi tôm cá. thông thường ao nuôi bị nhiễm phèn màu nước sẽ thay đổi thường xuyên do sự biến động của tảo.

- Cách xử lý ao nuôi tôm cá bị phèn:

Đối với ao nuôi bị nhiễm phèn tiềm tàng trong đất thì không nên phơi ao quá lâu sẽ tạo ra các vết nứt lớn oxy sẽ thâm nhập và oxy hóa Pyrit sắt tạo kết tủa màu vàng đỏ khó để xử lý, loại bỏ ra khỏi ao.

Tăng hàm lượng lân bằng cách bón lân đáy ao nuôi bị nhiễm phèn để tăng hàm lượng phospho khử sắt và giảm phèn, tuy nhiên cách này lại làm hàm lượng các tảo độc như tảo lam, tảo giáp chiếm ưu thế, phải thêm 1 bước xử lý tảo sau khi xử lý phèn.

Bón vôi vào đáy ao nuôi để tăng pH, giảm phèn tuy nhiên cần bón vào lúc chiều mát và phải tháo nước ngay vào ngày hôm sau, tránh việc phơi ao quá lâu.

Xử lý phèn bằng men vi sinh mang lại hiệu quả cao nhất và tiết kiệm chi phí từ đó nâng cao lợi nhuận cho khi nuôi tôm.

2. Đối với nước giếng khoan

Có nhiều phương pháp xử lý nước nhiễm phèn, ta tiến hành bơm nước lên bể chứa, sau đó sử dụng một trong các cách như sau:

- Làm thoáng bằng giàn mưa: cho phèn sắt trong nước tiếp xúc với Oxy không khí qua các lỗ tưới để tạo kết tủa, sau đó lọc lấy nước trong. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp khác như: khử sắt bằng vôi, bằng Clo, thuốc tím,  bằng phương pháp trao đổi ion hay dùng vi sinh tuy nhiên hiệu quả không cao và tạo ra chất mới cần phải xử lý.

- Biện pháp khử sắt bằng cách lọc qua lớp vật liệu lọc tỏ ra hiệu quả bằng cách cho các vật liệu đặc biệt có khả năng xúc tác, đẩy nhanh quá trình ôxy hoá khử Fe2+ thành Fe3+ và giữ lại trong tầng lọc. Quá trình diễn ra rất nhanh chóng và có hiệu quả cao. Để tránh hiện tượng tắc lọc ở bể lọc, do đó đến chu kỳ chúng ta phải tiến hành rửa lọc bằng nước.

- Các vật liệu điển hình: Cát mangan, vật liệu DMI – 65, Greensand Plus, Manganese Greensand. Hiệu quả cao trong loại bỏ hàm lượng sắt, mangan, các thành phần Asen và một số kim loại nặng có hại ra khỏi nguồn nước.